Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt am Main, CHLB Đức
PV: Xin chào Tổng Lãnh sự. Trước tiên xin được cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Thưa ông, nhìn lại chặng đường 40 năm quan hệ ngoại giao Việt – Đức ông có những đánh giá như thế nào?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Khi nhìn lại chặng đường phát triển của mối quan hệ ngoại giao Việt – Đức, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp giữa nước ta và Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây – một nửa của nước Đức ngày nay. Năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta còn đang ở giai đoạn khốc liệt, CHDC Đức (Đông Đức) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận nhau về mặt ngoại giao. Năm năm sau đó, vào năm 1955, đoàn sinh viên Việt Nam đầu tiên với số lượng lên đến 350 người đã được CHDC Đức đón nhận sang Đức đào tạo để sau này trở về xây dựng đất nước. Như vậy, trên thực tế, quan hệ giữa hai nước có lịch sử dài hơn nhiều so với mốc 40 năm mà chúng ta vừa kỷ niệm năm 2015. Nền tảng quan trọng nhất của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức, đó là một số lượng tương đối lớn người Việt đang sinh sống tại nước Đức và một số lượng tương đương những người Việt nói tiếng Đức tại Việt Nam, cũng hình thành và phát triển chủ yếu nhờ mối quan hệ của chúng ta với CHDC Đức trong nhiều năm trước khi nước Đức được thống nhất. Trong khi đó, quan hệ của chúng ta với Tây Đức, mặc dù được chính thức thiết lập tháng 9/1975, chỉ thực sự khởi sắc khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa hai nước liên tục phát triển và Đức đã trở thành một trong số 13 quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
PV: Trong quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức, hợp tác kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Xin Tổng Lãnh sự cho biết những thành tựu của Việt Nam trong quá trình xây dựng, hợp tác phát triển cùng nước Đức trong thời gian qua?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản), với GPD năm 2015 là 3.358 tỷ USD, là đầu tầu kinh tế của EU. Vì thế, hợp tác kinh tế tất yếu là ưu tiên hàng đầu của chúng ta trong quan hệ với Đức. Điều này cũng phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta tại châu Âu, với tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa 7,9 tỷ USD năm 2014 và tăng khoảng 10% trong năm 2015. Xuất khẩu của chúng ta sang Đức chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU và tăng đều đặn 10-15% mỗi năm. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, quan hệ giữa nước trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là giáo dục - đào tạo, cũng được chú trọng thúc đẩy. Đức là nước đi đầu trong việc giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo nghề. Trong các cuộc gặp gỡ, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đức đều khẳng định rằng, Đức coi trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực.
PV: Thưa Tổng Lãnh sự, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tại Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại CHLB Đức vừa qua?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Đây chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Đức kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1975. Vì thế, chuyến thăm này là dấu mốc lịch sử, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phân tích một cách rất toàn diện trong trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam ngay sau khi chuyến thăm kết thúc. Trong thời gian chuyến thăm, sau các cuộc gặp tại thủ đô Berlin, một số hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục – đào tạo đã diễn ra tại Bang Hessen – bang có “mối quan hệ hết sức đặc biệt” với Việt Nam như nêu trong Tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bang Hessen. Trao đổi thương mại hai chiều của Hessen với Việt Nam đã vượt mức 1 tỷ USD mỗi năm trong những năm gần đây. Hessen đóng vai trò nòng cốt trong các dự án lớn của Đức tại Việt Nam như tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh và Đại học Việt - Đức. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, được triển khai tại Frankfurt từ năm 2008, có vinh dự là một trong những nhân tố chủ chốt góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này.
PV: Đức đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Đức xác định Việt Nam là đối tác số 1 trong ưu tiên hợp tác phát triển của Đức tại Đông Nam Á trong năm 2016. Xin Tổng Lãnh sự chia sẻ về những cơ hội, thách thức lớn trong hoạt động giao thương của Việt Nam với CHLB Đức năm mới 2016?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn trong giao thương với quốc tế nói chung và với Đức nói riêng. Trong chuyến thăm vừa qua, lãnh đạo của hai nước thống nhất đánh giá rằng, hai nước đang có môi trường và điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư lên gấp 2 - 3 lần trong thời gian tới. Trong Diễn đàn Doanh nghiệp được tổ chức ngày 26/11/2015 tại Frankfurt nhân dịp chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và trong một cuộc tọa đàm về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Đức – Á tổ chức trước đó không lâu, các doanh nhân Đức đều coi việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (TPP, EVFTA và Cộng đồng Kinh tế ASEAN) là cơ hội lớn, đặc biệt đối với việc gia tăng đầu tư của Đức tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội thuận lợi này thì chúng sẽ biến thành thách thức, hàng nhập khẩu sẽ lấn át hàng trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dần chiếm thị phần của các doanh nghiệp trong nước ngay tại Việt Nam.
PV: Còn đối với cộng đồng người Việt ở Đức thì sao, năm 2016 họ sẽ có những thuận lợi lớn nào khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thưa Tổng Lãnh sự?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Cộng đồng người Việt tại Đức và đặc biệt là các doanh nhân là cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Họ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ sự phát triển của mối quan hệ song phương Việt – Đức, đang đứng trước những thời cơ lớn để tăng cường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam cũng như tại Đức do họ có sẵn các mối quan hệ và rất am hiểu thị trường cũng như văn hóa kinh doanh của cả hai trị trường. Còn thách thức đối với họ? Theo tôi trước hết đó là khác biệt về trình độ phát triển của hai nước, sau đó là khác biệt về văn hóa, kể cả văn hóa trong kinh doanh. Thực trạng này cần phải được thay đổi một cách cơ bản để các doanh nghiệp có thể hội nhập vào môi trường kinh doanh tại Đức.
PV: Tổng Lãnh sự đánh giá như thế nào về hội nhập của cộng đồng người Việt tại Đức?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Trong cuộc khủng hoảng người tị nạn tại EU kéo dài từ vài năm nay, Đức đã trở thành đích đến số 1 của người tị nạn. Chính quyền Đức đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho người nước ngoài hội nhập một cách nhanh nhất và tốt nhất vào xã hội Đức. So với những cộng đồng dân cư khác tại Đức, sự hội nhập của cộng đồng người Việt được đánh giá là khá thành công. Truyền thống hiếu học của người Việt Nam và kết quả học tập rất tốt của các con cháu chúng ta tại các trường của Đức được nước sở tại đánh giá rất cao. Nhiều trí thức người Việt nam đang làm việc trong các cơ quan chính quyền, cũng như doanh nghiệp lớn của Đức, thật sự là cầu nối giữa hai nước.
Các doanh nghiệp của người Việt Nam phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên quy mô còn nhỏ lẻ và chủ yếu chỉ tập trung vào một số ngành nghề như nhà hàng, shop thực phẩm, dịch vụ làm đẹp...
Vấn đề tiếp theo là làm sao trong quá trình hội nhập vào xã hội hiện tại người Việt chúng ta cần phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là gìn giữ tiếng Việt cho các thế hệ sau này.
PV: Trong năm 2016, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt sẽ có những kế hoạch, hoạt động nổi bật nào dành cho cộng đồng người Việt tại Đức để nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp họ hội nhập ngày càng tốt hơn vào xã hội Đức?
Đại sứ Nguyễn Hồng Lĩnh: Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm nêu trong Chỉ thị số 45 được Bộ Chính trị ban hành ngày 19/5/2015 nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị vê người Việt nam ở nước ngoài, bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho bà con trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác lãnh sự, tăng cường đoàn kết thông qua các hoạt động cộng đồng như Tết Quê hương và Hương sắc Việt, tăng cường công tác thông tin về tình hình trong nước với sự hợp tác của VTC, đẩy mạnh công tác khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân có thành tích trong hội nhập và nhiều đóng góp trong công tác cộng đồng, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp người Việt trong kinh doanh tại Đức cũng như đầu tư về trong nước và nhiều hoạt động đa dạng khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn phần chia sẻ của Đại sứ, kính chúc ông sức khoẻ và thành công!
Phạm Khánh Nam